Thanh tra tiệm vàng toàn quốc: Không còn cảnh vàng, thau lẫn lộn?

[ad_1]

Qua công tác kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn cả nước trong hai năm 2015 – 2016, đã phát hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh vàng không chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng vàng. Theo đó, có ít nhất 600 cơ sở bán vàng không đạt hàm lượng tiêu chuẩn. Đó là báo cáo công tác quản lý thị trường vàng của Bộ Khoa học và công nghệ gửi Văn phòng Chính phủ.

Chưa có chế tài xử lý

Trong báo cáo về công tác quản lý thị trường vàng gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết: trong năm 2015, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tại 51/63 Sở Khoa học và công nghệ các tỉnh, với 1.718 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố. Theo Bộ Khoa học và công nghệ, số cơ sở kinh doanh vàng, bán vàng không đáp ứng tiêu chuẩn tập trung chủ yếu vào các loại vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó 170 phương tiện đo không đúng tiêu chuẩn bị thu giữ, chiếm 9,7% số vụ vi phạm. Cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, trong đó tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Từ đó họ buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này đã đặt ra việc doanh nghiệp đối diện với thực tế là có thể dính vàng giả, vàng nhái do các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vàng trang sức kém chất lượng có cơ hội tồn tại.

Trước đó, vào tháng 7-2015, dư luận, nhất là những người cầm vàng hoang mang khi ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khẳng định: Trên thị trường vàng hiện nay có từ 3-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch trong công tác công bố chất lượng vàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Lý giải về chuyện ăn gian tuổi vàng và ăn gian trọng lượng, đại diện một cơ sở kinh doanh vàng nói, nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá gia công, cộng thêm phần hao hụt vàng trong quá trình sản xuất và các khoản chi phí này được đẩy vào việc giảm chất lượng vàng để bù đắp. Hơn nữa tiền công thợ chế tác quá rẻ mạt, nhiều khi công sức bỏ ra làm ra một chiếc nhẫn mà chỉ có vài chục ngàn đồng, bằng một bát phở. Không được tính tiền công xứng đáng nên các (lò) sản xuất vàng sẽ gian lận hàm lượng vàng để bù lại. Chính vì tâm lý thích mua của rẻ cũng là nguyên nhân khiến việc ăn gian tuổi vàng và trọng lượng trở nên khá phổ biến như hiện nay.

Tính đến hết ngày 23-8-2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ các tỉnh đã thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Để giảm bớt các vụ vi phạm về kinh doanh vàng, Bộ Khoa học và công nghệ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu.

Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở vi phạm về kinh doanh vàng là do hiện sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát về chất lượng, đặc biệt đối với doanh nghiệp , cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và họ chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật là đủ. Bên cạnh đó, trên thị trường, các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho biết, họ chỉ biết bán vàng trang sức, lấy từ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất và chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép và chất lượng vàng do các cơ sở này quyết định. Như vậy, vô hình chung với các quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay, mới chỉ quản lý được phần ngọn mà không quản lý được phần gốc.

Thanh tra tiem vang toan quoc: Khong con canh vang, thau lan lon?

Hoạt động quản lý kinh doanh vàng phức tạp khi các thông tin về kênh dự trữ này luôn “gây sóng”.        Ảnh tư liệu

Khuyến cáo với người mua vàng

Theo số liệu thống kê, có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, bao gồm cả các chành, vựa, tiệm vàng… trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Hầu hết tiệm vàng nhỏ lẻ đều lấy hàng từ các chành hoặc tự gia công chứ rất ít bán vàng của các Cty có tên tuổi. Do vậy tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát. Nhiều cửa hàng báo với khách hàng là vàng 18K – tức 7,5 tuổi nhưng thực tế, có khi tuổi vàng chỉ ở mức 6,8 tuổi hoặc thấp hơn. Hoặc khi mua vàng thì doanh nghiệp tính tiền đá bằng tiền vàng khi bán thì trừ đá tính mỗi vàng… khiến người dân chịu thiệt đủ đường.

Gần đây, một trường hợp khách hàng mua vàng của Bảo Tín Minh Châu bị hụt so với mức trên hóa đơn là hi hữu và người mua nên cảnh giác khi thực hiện các giao dịch. Theo đó, ngày 28-8, tài khoản P.L đã đăng tải trên trang cá nhân đoạn clip hụt vàng tại Bảo Tín Minh Châu. Được biết, gia đình chị L đã mua một chiếc kiềng có kèm hóa đơn 7 chỉ vàng (vào khoảng tháng 3), nhưng đến ngày 28-8, khi đem ra bán thì cửa hàng cho biết chiếc kiềng này chỉ còn 6 chỉ mà thôi.

Theo giải thích của phó quản lý cửa hàng, trọng lượng thực của chiếc kiềng và giấy đảm bảo vàng của khách là không khớp. Dù trong hóa đơn có ghi là 7 chỉ nhưng chiếc kiềng chỉ có 6 chỉ, vì vậy cửa hàng quyết định mua lại theo đúng trọng lượng thực tế của nó. Gia đình chị L cho biết khi mua hàng đã thanh toán đúng số tiền tương ứng 7 chỉ và nhận lại hóa đơn đỏ. Vì không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cửa hàng, gia đình chị L đã trình báo sự việc lên CQCA. Vụ việc đang được xử lý.

Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ KH-CN tất cả vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu về đo lường và chất lượng. Người tiêu dùng phải có quyền được mua vàng trang sức có đúng hàm lượng vàng, khối lượng vàng như nhà sản xuất đã công bố. Các doanh nghiệp thực hiện việc ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm vàng hiện nay đã lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên kể từ sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, tình trạng vi phạm vẫn khá nghiêm trọng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó. Theo một số người trong giới kinh doanh vàng trang sức thì tình trạng trang sức vàng thiếu tuổi khá phổ biến. 

Vấn đề đang được đặt ra với Bộ KH&CN như: Xử lý như thế nào đối với vàng nữ trang hiện đang lưu hành và đang được giữ trong dân, việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, quy định về việc cấm sử dụng những chất gây hại trong nữ trang là như thế nào, hay nếu vi phạm thì mức xử phạt sẽ là bao nhiêu?

Để thiết lập lại trật tự thị trường vàng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Nam Hải cho hay: “Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi mua vàng, người dân nên lưu ý về tuổi, trọng lượng. Ngoài xem tem, nghe nhân viên tư vấn, người dân cũng nên nhờ doanh nghiệp có uy tín như Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, Cty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tổng Cty vàng Agribank… kiểm định giúp. Thậm chí, người dân có thể kiểm tra chất lượng vàng thông qua một doanh nghiệp khác có máy quang phổ. Tùy từng đơn vị sẽ đưa ra mức phí kiểm định khác nhau, thông thường khách hàng sẽ phải trả 15.000 – 20.000 đồng cho mỗi mẫu thử.

Sau 2 tháng triển khai, Thanh tra Bộ KH&CN đã nhận được báo cáo nhanh kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng tại 43 tỉnh, TP. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại 1.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng, lực lượng chức năng đã xử phạt 286 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 2 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số lượt hành vi, vi phạm là 517 cơ sở chủ yếu vi phạm về sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu: 78 (chiếm 15 % hành vi vi phạm); Khối lượng hàng hóa không đạt: 10 (chiếm 2 % hành vi vi phạm); Không công bố tiêu chuẩn áp dụng: 73 (chiếm 14 % hành vi vi phạm); Hàng hóa không đạt chất lượng: 13 (chiếm 2,5 % hành vi vi phạm); Nhãn hàng hóa không đạt: 305 (chiếm 59 % hành vi vi phạm); Vi phạm khác: 38 (chiếm 7,4 % hành vi vi phạm).

Nguyễn Khuê

VietBao.vn