Say nắng ở trẻ nhỏ: Cẩn tắc vô áy náy

Khi trẻ say nắng, hãy đặt trẻ nằm ở chỗ mát và cởi bớt quần áo cho thoáng, sau đó dùng khăn thấm nước mát lau người cho trẻ.

Say nắng là căn bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ vào mùa Hè nóng nực. Nhiều bậc cha mẹ xem nhẹ căn bệnh say nắng vì cho rằng nó chẳng có ảnh hưởng gì quá lớn. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp tử vong do sự cẩn tắc vô áy náy này của các đấng sinh thành.

Nguyên nhân: Hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu, một số bộ phận chức năng chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao ngoài trời, cơ thể trẻ không thể điều hòa thân nhiệt kịp thời.

Ngăn ngừa bệnh say nắng

Muốn an tâm hơn khi đưa trẻ ra ngoài mà không bị say nắng, hãy cho trẻ uống nước thường xuyên để tránh cơ thể bị mất nước. Bên cạnh đó, chỉ nên mặc quần áo sáng màu, rộng rãi thoáng mát cho trẻ nhằm tránh bức xạ nhiệt. Hơn nữa, nếu cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, căn dặn trẻ cứ một lúc lại nghỉ giải lao để cơ thể không bị quá sức chịu đựng.

Các bậc cha mẹ cần luôn luôn quan tâm, chú ý đến con cái mình. Nếu có dấu hiệu gì bất thường phải sơ cứu ngay sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị say nắng

– Nhiệt độ cơ thể tăng
– Da khô. Sắc tố da nhợt nhạt
– Tim đập nhanh và mạnh
– Trẻ kêu đau đầu, chóng mặt
– Mệt lử
– Buồn nôn, ói mửa

Nếu không phát hiện ra những dấu hiệu trên để kịp thời chăm sóc, khám chữa, ở trẻ sẽ xuất hiện một vài triệu chứng nghiêm trọng hơn:

– Rối loạn tinh thần
– Thở gấp
– Bị chuột rút
– Tay chân co thắt
– Co giật
– Hôn mê

Khi phát hiện trẻ bị say nắng

Điều quan trọng nhất là làm giảm nhiệt độ trong cơ thể trẻ xuống mức bình thường một cách nhanh chóng. Đặt trẻ nằm ở chỗ mát và cởi bớt quần áo cho thoáng, sau đó dùng khăn thấm nước mát lau người cho trẻ. Chườm lạnh bằng đá ở khắp cơ thể, đặc biệt là trán và gáy. Các biện pháp này giúp cơ thể trẻ tiết ra mồ hôi, hạ thân nhiệt. Lưu ý, cứ một tiếng lại pha nước muối nhạt cho trẻ uống một lần.