Petrolimex: lãi lớn nhưng sẽ chịu áp lực cạnh tranh tăng dần

[ad_1]

Việc Idemitsu Q8 được phép bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ chưa thể gây nhiều sức ép lên hoạt động kinh doanh của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ dần buộc Petrolimex phải có sự thay đổi nếu không muốn thị phần bị giảm sút. 

 Chín tháng đầu năm 2016, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt hơn 4.000 tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm và tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu là 2.300 tỉ đồng, tương đương 57,3% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Lãi lớn hơn 4.000 tỉ đồng

Petrolimex mới đây đã công bố báo cáo tài chính chín tháng đầu năm với kết quả rất ấn tượng. Theo đó, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn đạt hơn 4.000 tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm và tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu là 2.300 tỉ đồng, tương đương 57,3% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Các mảng kinh doanh khác ghi nhận 1.735 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 42,7% tổng lợi nhuận, bao gồm hóa dầu, nhựa đường (609 tỉ đồng), vận tải (304 tỉ đồng), gas (108 tỉ đồng), nhiên liệu hàng không (245 tỉ đồng), xây lắp hạ tầng (257 tỉ đồng)… Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận của tập đoàn còn 3.330 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu hợp nhất là 15,8%.

Điểm đáng lưu ý là mặc dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng doanh thu thuần hợp nhất chín tháng của Petrolimex chỉ đạt 88.000 tỉ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ. Petrolimex lý giải doanh thu giảm là do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân chín tháng đầu năm 2015 ở mức 51 đô la Mỹ/thùng, trong khi bình quân năm chín tháng đầu năm nay giảm 19%, xuống còn 41,3 đô la Mỹ/thùng.

Tuy vậy, nhìn kỹ vào báo cáo tài chính thì phần hỗ trợ trọng yếu cho lợi nhuận của tập đoàn này trong chín tháng đầu năm nay so với năm ngoái đến từ sự giảm mạnh của chi phí tài chính. Ba quí đầu năm 2016, chi phí tài chính của Petrolimex là 653 tỉ đồng, chỉ bằng 29% so với mức 2.235 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá đã giảm từ mức 986 tỉ đồng xuống còn 86 tỉ đồng; chi phí tài chính khác giảm từ 826 tỉ đồng xuống còn 125 tỉ đồng.

Sức ép cạnh tranh sẽ tăng dần

Cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Giá cơ sở vẫn là trung tâm quyết định giá bán lẻ với biên độ thay đổi, tùy mức độ, sẽ thuộc quyền hạn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Điểm tích cực của Nghị định 83 là đã bổ sung thêm hai thành phần (bên cạnh doanh nghiệp đầu mối) được tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, bao gồm doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp nhận quyền. Đối với doanh nghiệp phân phối, quyền và nghĩa vụ sẽ ngang với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá, nhưng không được quyền nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp nhận quyền là doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối. Điều này nhằm mục đích tăng số lượng người bán, tạo thêm sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện thị trường xăng dầu có 25 thương nhân đầu mối và 69 thương nhân phân phối nhưng thị phần bán lẻ lớn nhất vẫn thuộc về Petrolimex (khoảng 48% thị phần). Petrolimex cùng với PV Oil và Saigon Petro thống lĩnh hơn 75% thị phần toàn quốc. Khi gốc rễ vấn đề là thị trường xăng dầu cạnh tranh chưa được hình thành thì độc quyền nhóm vẫn đang mang lại rất nhiều mối lợi cho doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối và hiển nhiên lợi ích của người tiêu dùng chưa được đảm bảo một cách đầy đủ.

Mặc dù vậy, thị trường kinh doanh xăng dầu được nhận định sẽ ngày càng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn trong thời gian tới. Những tín hiệu sớm đã xuất hiện khi chỉ sáu tháng sau khi được cấp giấy phép, Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 mới đây đã hoàn tất những bước chuẩn bị để ra mắt cửa hàng xăng dầu đầu tiên 100% vốn ngoại tại thị trường Việt Nam (đặt tại khu vực sân bay Nội Bài). Idemitsu Q8 là công ty liên doanh giữa Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait Petroleum (KPI). Sở dĩ Idemitsu Q8 được cấp phép phân phối và bán lẻ vì theo cam kết của Chính phủ Việt Nam, các đối tác góp vốn vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn được phép phân phối xăng dầu do họ sản xuất tại thị trường nội địa. Trước mắt, Idemitsu Q8 sẽ bán xăng dầu nhập khẩu song từ giữa năm 2017, họ sẽ bán xăng dầu được sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Việc Idemitsu Q8 được phép bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ chưa thể gây nhiều sức ép lên hoạt động kinh doanh của Petrolimex trong ngắn hạn. Trong các cam kết về hội nhập WTO của mình, Việt Nam đã giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu, không bắt buộc phải mở cửa thị trường này theo lộ trình. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất, nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ra, để có thể mở rộng hoạt động phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp cũng phải có kho bãi, cầu cảng. Những điều kiện này đều cần thời gian để đầu tư, không phải một sớm một chiều có thể thực hiện ngay được.

Dẫu vậy, về dài hạn, việc có thêm một doanh nghiệp nước ngoài với thế mạnh về vốn, công nghệ và thậm chí là chất lượng phục vụ tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu như Idemitsu Q8 sẽ dần buộc các ông lớn như Petrolimex phải có sự thay đổi để cạnh tranh và tồn tại nếu không muốn thị phần bị giảm sút.