Nguy hại từ việc sinh con muộn

Sinh con muộn ẩn chứa nhiều nguy hại không chỉ với mẹ mà cả với bé.

Có nhiều cặp vợ chồng muốn ổn định về kinh tế rồi mới sinh con để có điều kiện chăm con tốt nhất. Tuy nhiên, sinh con muộn cũng ẩn chứa nhiều nguy hại đối với cả mẹ và bé.

1. Con bị dị tật

Khi phụ nữ bước sang tuổi 35, sức khỏe cũng như chất lượng của trứng không đảm bảo, tỷ lệ thụ thai kém hơn khi còn trẻ, độ giãn nở của khung chậu đã bị hạn chế nên việc mang thai và sinh nở lần đầu có nhiều rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Các nguy cơ khi sinh con muộn thường gặp là: sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, thai lưu, đẻ khó,… Mang thai khi đã lớn tuổi thì tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể cao nên tỷ lệ con mắc bệnh đần độn (Down) ở các bà mẹ này thường cao hơn bình thường. Nguy cơ càng tăng khi tuổi mang thai càng cao.

2. Con dễ mắc nhiều chứng rối loạn

Một số bệnh được ghi nhận ở những trẻ em có bố lớn tuổi gia tăng đáng kể bao gồm tự kỷ, hội chứng tăng động giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, muốn tự tử…
Nghiên cứu công bố trên tạp chí tâm thần học JAMA Psychiatry nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do đột biến ở tinh trùng. Cuộc điều tra do ĐH Indiana (Mỹ) và Viện Karolinska (Thụy Điển) tiến hành, được đánh giá là công trình lớn nhất và mô tả chi tiết nhất về vấn đề này tới nay. Các chuyên gia đã tìm hiểu 2,6 triệu người và sự khác biệt giữa các anh chị em cùng bố sinh ra, đồng thời tính đến sự khác biệt trong việc nuôi con giữa các gia đình.

Khi so sánh những đứa trẻ được các ông bố 45 tuổi sinh ra và ông bố 24 tuổi sinh ra, nhóm nghiên cứu ghi nhận:

– Tỷ lệ mắc tự kỷ tăng gấp 3 lần.
– Nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý tăng gấp 13 lần.
– Nguy cơ rối loạn tâm thần cao gấp đôi.
– Nguy cơ rối loạn lưỡng cực cao gấp 2,5 lần.
– Nguy cơ có hành vi tự sát hoặc sử dụng thuốc gây nghiện cao gấp 2,5 lần.
– Có điểm số ở trường thấp hơn.

Nghiên cứu không chỉ rõ mốc tuổi của người cha khiến những nguy cơ này bắt đầu gia tăng, mà chỉ cho thấy tuổi càng cao, nguy cơ này càng lớn. Tính chung thì nguy cơ nói trên vẫn là thấp, và ít có khả năng ảnh hưởng đến trẻ. Vấn đề là, trên bình diện cả triệu người, chỉ một sự gia tăng nguy cơ nho nhỏ đã có thể khuếch đại khiến số trẻ mắc các rối loạn này nhiều hơn hẳn.

Các kết quả trên cho thấy việc trì hoãn làm cha đang đi kèm với sự gia tăng các trục trặc về tâm thần và học thuật ở thế hệ con cái.

Ngoài ra, trẻ có bố lớn tuổi còn có thể bị suy yếu não nghiêm trọng và thường có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ khác.

Đàn ông ở độ tuổi 50, 60 trở lên có khả năng sinh ra đứa trẻ mắc hội chứng Apert (hội chứng sọ mặt) cao hơn 10 lần so với đàn ông từ 30 tuổi trở xuống.

3. Con dễ lệch lạc giới tính

Những ông bố cao tuổi không được chuẩn bị tốt về cả mặt tâm lý và sức khỏe cho việc sinh và nuôi con. Do tuổi tác, họ khó tính và có khuynh hướng ít tha thứ cho sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ. Các ông bố nhiều tuổi cũng ít thể hiện cảm xúc nồng ấm với đứa trẻ khiến con của họ dễ bị tự kỷ, có xu hướng sợ bố và có dấu hiệu lệch lạc giới tính vì chỉ gần gũi mẹ.

Một số lưu ý đối với bố mẹ lớn tuổi khi sinh con

– Làm xét nghiệm máu để kiểm tra men gan, đường huyết, mỡ máu và phát hiện một vài bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: HIV, viêm gan siêu vi B, gen, nhiễm sắc thể.
– Kiểm tra huyết áp và cholesterol để đánh giá tình trạng sức khoẻ nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng.
– Làm tinh dịch đồ để kiểm tra số lượng tinh trùng và tình trạng của tinh trùng.
– Kiểm tra nội tiết tố để biết chất lượng trứng.
– Chụp tử cung vòi trứng để xem có dấu hiệu bất thường ở vòi trứng không, tránh trường hợp mang thai ngoài tử cung, chửa trứng…
– Kiểm tra tính di truyền và xin ý kiến của bác sĩ nếu trong gia đình có người thân bị bệnh di truyền (như máu không đông, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm…) hay bị rối loạn nhiễm sắc thể (bệnh Down), chậm phát triển trí tuệ, mắc các dị tật bẩm sinh hay khuyết tật ống thần kinh… nếu nghiêm trọng sẽ được thông báo về nguy cơ tiềm ẩn.
– Các ông bố cũng nên hạn chế và tiến đến từ bỏ thuốc lá hay các chất kích thích như rượu, bia, cà phê… nếu muốn có con, nhất là khi đã lớn tuổi.
– Cả bố và mẹ cần bổ sung dinh dưỡng giàu axit folic và vitamin C để tăng cường chất lượng tinh trùng.