Nghệ thuật kết thúc chiến dịch Aleppo

[ad_1]

Chiến dịch giải phóng Aleppo-Syria cũng được coi như một trận quyết chiến chiến lược hay như nhiều người so sánh nó như một trận “Stalingrad-Syria” mà chiến thắng là bắt buộc bởi đó là bước ngoặt để phát triển tiếp theo: Giải phóng hoàn toàn đất nước.

Do đó, kết thúc chiến dịch ra sao, tức là phương án tác chiến của chiến dịch Aleppo như thế nào để dành chiến thắng rất quan trọng, nó không chỉ thuần túy về mặt quân sự mà nặng hơn là mặt chính trị.

Cuộc chiến đường phố không đơn giản cho bất kỳ bên nào

Cuộc chiến đường phố không đơn giản cho bất kỳ bên nào

Giải phóng Aleppo theo kịch bản Grozny-Chechnya

Dư luận một số người vội vã cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch Aleppo đã lâu nhưng chưa dứt điểm được là do Nga-Syria thiếu lực, do quân đội Syria và Hezbollah, Iran yếu kém… mà quên mất yếu tố hàng ngàn người dân bị phiến quân dùng làm lá chắn sống và tác chiến trong một thành phố lớn đầy chướng ngại vật.

Chính điều này khiến Nga mấy lần ngừng bắn đơn phương để tạo đường thoát cho dân và đây cũng là biện pháp phòng thủ có hiệu quả nhất mà phiến quân đang cố thực hiện trong khi được hệ thống truyền thông phương Tây phối hợp tố cáo Nga “tội phạm chiến tranh”…

Ở góc nhìn quân sự, muốn kết thúc chiến dịch Aleppo, Nga-Syria phải “làm sạch” vùng lãnh thổ phía Tây như Hama, Homs, Idlib, ngoại ô Damascus, Lakita, các địa bàn then chốt xung quanh vùng ngoại ô Damascus bao gồm Daraya, Al-Hamah, Qudsiyah và Mo’adhimiyah… mà tại đây các nhóm phiến quân được bên ngoài hỗ trợ đang mạnh và như một mũi dao sắc lẹm thọc vào lưng, sườn quân Assad.

Nga-Syria đang thực hiện chiến thuật bao vây chặt Aleppo nhưng tấn công mạnh vào các khu vực này kết hợp với chính sách hòa giải dân tộc để bẻ gãy nhưng mũi dao chĩa vào lưng khi dứt điểm Aleppo, tránh tình trạng giải phóng xong thì chính mình lại bị bao vây.

Chẳng hạn, mới đây cuộc tấn công ác liệt của quân đội Syria vào thị trấn then chốt khu vực Tây Ghouta đã có kết quả: Nhóm Jabhat Fateh al-Sham (nguyên Jabhat al-Nusra) và các nhóm Hồi giáo cực đoan liên kết ở Khan al-Sheih buộc phải chấp thuận rút về Idlib và giao lại thị trấn này ở Tây Ghouta cho Quân đội Syria…

Tư tưởng tác chiến đối với quân khủng bố của Nga là tiêu diệt chứ không đàm phán đã thể hiện rõ tại cuộc chiến chống khủng bố Chechnya. Người Nga không một chút nương tay khi san phẳng Grozny.

Tại Aleppo, Nga – Syria đã chuẩn bị các phương tiện hỏa lực trên mức cần thiết để thừa sức “biến Aleppo thành những mảnh vụn”(Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kery).

Tại sao lại trên mức cần thiết? Thật ra, lực lượng Nga điều sang Syria và Địa Trung Hải không phải chỉ để dùng cho tác chiến tại Aleppo mà sẵn sàng cho tình huống xấu nhất khi Mỹ mạo hiểm áp đặt vùng cấm bay cứu nguy cho phiến quân tại Syria.

Điều đó có nghĩa là Nga-Syria đang sẵn sàng dùng hỏa lực mạnh nhất để tiêu diệt phiến quân sau khi đã làm hết cách để đưa dân ra vùng an toàn và “làm sạch” những địa bàn quan trọng ngoài Aleppo.

Có thể coi đây là phương án tác chiến với mục tiêu chiến thắng là bắt buộc “đập chết chuột dù vỡ cả bình” đã được lập kế hoạch trong Bộ chỉ huy tham mưu Nga-Syria, là cách kết thúc chiến dịch theo như kịch bản Chechnya mà chỉ cần đến thời điểm cho phép là Nga-Syria sẽ ra tay.

Tuy nhiên, phương án tác chiến này, hiện nay đã không còn là ưu tiên hàng đầu vì xuất hiện tình thế mới…

Tình thế mới đó là ngài Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Hãy khoan bàn đến khi ông D.Trump tiếp quản Nhà Trắng thì sẽ có sự thay đổi gì về Syria, nhưng nếu như Nga-Syria dùng sức mạnh hỏa lực để san bằng Aleppo trong thời điểm khi Tổng thống Mỹ chưa bàn giao là điều thiếu khôn ngoan và tinh tế.

Điều này, ít nhất sẽ gây một hậu quả không tốt cho chính quyền mới của Mỹ, kích hoạt một số nhân vật diều hâu phản ứng mạnh mẽ với cuộc tấn công, làm khó dễ cho chính sách mới về Syria của D.Trump.

Mặt khác, khi ông D.Trump trúng cử, lực lượng phiến quân đã bày tỏ sự sẵn sàng của họ cho một đàm phán hòa bình bởi nhận ra rằng, hỗ trợ của Mỹ sẽ sớm kết thúc. Nghĩa là phiến quân linh cảm được Nga-Mỹ sẽ bắt tay nhau để chống khủng bố thật khác với thời Obama đương nhiệm.

Chính vì xuất hiện tình thế mới nên sử dụng phương án tác chiến giải phóng Aleppo như kịch bản Grozny là hơi vội vàng. Nga-Syria đang thực hiện phương án tác chiến khác hợp lý, có lợi hơn nhiều mà cơ may thành công rất cao

Phương án “đánh chuột không vỡ bình”

Giải phóng Aleppo kết thúc chiến dịch quân sự với kết quả tối ưu nhất là phiến quân phải đầu hàng hoặc rút khỏi, bảo toàn được tính mạng của dân, tránh những thương vong không đáng có.

Để thực hiện phương án tác chiến này, Nga-Syria đã sử dụng chiến thuật: vây, lấn, bức hàng.

Nga-Syria và liên minh đã bao vây chặt Aleppo. Bộ chỉ huy tham mưu Nga-Syria đã tăng cường thêm lực lượng không chỉ các đơn vị thiện chiến của Syria như lữ đoàn con hổ, diều hâu sa mạc.. .mà 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới của Hezbollah cũng xuất hiện.

Ngày 20/11, phiến quân tổ chức lực lượng cho cuộc phản công quy mô lớn nhất, phản kích phá vây trong khu phố Jabal Bardo và cao điểm al-Zuhour trên khu vực các quận phía đông thành phố Aleppo, nhưng đã thất bại.

Rõ ràng, thế trận bao vây, chia cắt của Nga-Syria đã hình thành chắc chắn mà mọi nỗ lực của phiến quân là không thể phá vỡ, không ai có thể cứu.

Bao vây chặt, Nga-Syria dùng hỏa lực mạnh, tấn công vào những cứ điểm, vị trí quan trọng mà phiến quân đang chốt giữ để khống chế trận địa, chiếm lợi thế tác chiến như khu 1070, Học viện Assad hay cao điểm cực kỳ quan trọng al-Zuhour, là vị trí hiệu chỉnh pháo binh, tên lửa cả khu vực…

Khi mọi nguồn lực bị ngăn chặn, cắt đứt; khi hàng trăm tên lửa hành trình và vũ khí hạng nặng từ trên không sẵn sàng trút xuống Aleppo và, khi mọi nỗ lực để phá vây là vô vọng, không ai có thể cứu thì phiến quân sẽ lựa chọn chết hay là được an toàn rút về Idlib theo một hành lang quy định?

Một kịch bản như thành phố Homs năm 2014 và gần đây nhất là thị trấn Khan al-Sheih, phiến quân chấp nhận đầu hàng và được rút lui an toàn về Idlib là tình huống tốt nhất mà chính phủ Syria mong muốn trong cuộc chiến giải phóng Aleppo.

Tuy nhiên, các thế lực tài trợ cho phiến quân đang thúc giục họ “tử vì đạo”, cố thủ để có một cuộc chiến tranh đường phố kéo dài, gây tổn thất nặng nề cho sinh lực hai phía, dân thường và các công trình đô thị, gây ra một “thảm họa nhân đạo” ở Aleppo nhằm cáo buộc cả Syria và Nga.

Dù sao thì lực lượng phiến quân ở Aleppo chỉ có 2 tùy chọn, chết hoặc đầu hàng để được rút lui an toàn về Idlib. Nga-Syria và liên minh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, kỹ càng cho cả 2 tùy chọn của phiến quân.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt