Món ăn bổ dưỡng ngày Tết

Sơn tra có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol. Dùng sơn tra làm tăng các enzym trong dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa thức ăn
Thực phẩm ngày nay quá phong phú, dẫn đến ngày càng nhiều người thừa dinh dưỡng, mất đi vóc dáng thon thả. Nhân dịp đón năm mới, xin giới thiệu bạn đọc vài món ăn giúp tăng cường sức khỏe và giữ dáng.

Gỏi bó xôi
1- Vật liệu:
– Bó xôi (400 g): Tính mát, vị ngọt. Chứa nhiều canxi , sắt, magiê, kali, vitamin A, C và enzym, có tác dụng tốt đối với chức năng bài tiết của dạ dày và tuyến tụy.
– Gừng tươi (25 g): Tính ấm, vị cay, chứa tinh dầu, thành phần chính gồm zingiberene, zingiberol… Tinh dầu kích thích bài tiết dịch vị, thúc đẩy tiêu hóa, có tác dụng kiện tỳ. Gừng tươi có tác dụng làm hưng phấn trung tâm hô hấp và vận động.
– Muối, nước tương, bột nêm, giấm gạo, dầu mè, hoa tiêu (hoặc hạt tiêu) với mỗi thứ vừa đủ.
2- Chế biến:
– Bó xôi rửa sạch, gừng tươi rửa sạch, thái sợi.
– Đổ nước vừa đủ vào chảo, bắc lên bếp đun sôi, thêm bó xôi xào sơ, vớt ra cho ráo nước, đổ vào thau, để nguội. Thái đoạn, lưu ý bó xôi tốt nhất trụng trước thái sau, tránh làm mất thành phần dinh dưỡng.
– Dùng 1 chén nhỏ, bỏ vào gừng sợi, muối, nước tương, bột nêm, giấm, dầu mè, hoa tiêu trộn làm xốt, rưới lên bó xôi, trộn đều là xong.
3- Tác dụng: Thanh mát khoái khẩu, giãn mạch, thúc đẩy máu tuần hoàn; thích hợp với người béo phì, thiếu máu do thiếu sắt. Riêng người bị suy chức năng thận nên hạn chế muối ăn.

 

Cá chép nêm xốt
1- Vật liệu:
– Cá chép (1 con, khoảng 1 kg): Tính bình, vị ngọt. Thịt cá chép là loại đạm tốt, hàm lượng cholesterol cực thấp.
– Sơn tra (50 g): Tính hơi ấm, vị ngọt, chua. Nghiên cứu chứng minh sơn tra có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol. Dùng sơn tra làm tăng các enzym trong dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa thức ăn.
– Bột mì (150 g): Tính mát, vị ngọt.
– Lòng trắng trứng (1 quả, khoảng 25 g): Tính mát, vị ngọt, là loại đạm tốt.
– Gừng, hành, muối, đường trắng, rượu, bột năng, mỗi thứ vừa đủ.
2- Chế biến: – Cá chép bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch thái lát, thêm rượu, muối ướp 15 phút, hành thái đoạn, gừng thái lát.
– Bột mì thêm nước và lòng trắng trứng, trộn đều, sử dụng sau.
– Bắc chảo lên bếp, đổ dầu, cho nóng, thêm gừng lát phi thơm, tiếp đó thêm cá lát đã chấm hồ trứng, chiên vàng.
– Sơn tra thêm ít nước, bắc lên bếp nấu nhừ, thêm rượu, muối và bột năng, rắc lên hành đoạn, bột nêm, làm xốt rưới lên mặt cá đã chiên thì hoàn tất.
3- Tác dụng: Giảm huyết áp, giảm mỡ; thích hợp với người bệnh mạch vành, người béo phì, thủy thũng. Riêng những người mắc các bệnh về da nên dùng thận trọng.

Cà tím hấp tỏi
1- Vật liệu:
– Tỏi (40 g): Tính ấm, vị cay. Nghiên cứu hiện đại cho thấy tỏi làm giảm cholesterol, triglyceride, phòng trị xơ vữa động mạch.
– Cà tím (400 g): Tính hơi hàn, vị ngọt.
– Muối, giấm gạo, đường trắng, dầu mè, dầu đậu phộng, bột nêm mỗi thứ vừa đủ.
2- Chế biến:
– Cà tím gọt vỏ rửa sạch, thái lát mỏng, cho vào bát. Lại cho vào lò hấp cách thủy chín nhừ bằng lửa mạnh, lấy ra để nguội, đổ bỏ nước trong bát.
– Tỏi rửa sạch, dùng dao đập dập, băm nhuyễn, dùng 1 chén nhỏ, cho vào tỏi băm, muối, giấm gạo, đường trắng, dầu mè, bột nêm, hoa tiêu làm xốt, rưới trên mặt cà tím, trộn đều thì hoàn tất.
3- Tác dụng: Ngon miệng, giảm cholesterol, bảo đảm tính đàn hồi mạch máu, phòng trị tiêu chảy mùa nóng; thích hợp với người bệnh cao mỡ máu, xơ vữa động mạch. Đối với người thể chất hư hàn, tiêu chảy mạn tính không nên dùng nhiều.

Nấm mèo xào phổ tai
1- Vật liệu:
– Nấm mèo đen ngâm nở (250 g): Tính bình, vị ngọt, chứa chất keo có tác dụng tẩy sạch ruột.
– Phổ tai ngâm nở (100 g): Tính hàn, vị mặn, chứa algin có tác dụng cầm máu khi chảy máu động mạch, laminine có tác dụng giảm huyết áp.
– Tỏi, hành hoa, nước tương, đường trắng, muối, bột nêm, dầu mè mỗi thứ vừa đủ.
2- Chế biến:
– Phổ tai, nấm mèo đen lần lượt rửa sạch, thái sợi, sử dụng sau. Tỏi đập dập sử dụng sau.
– Đổ dầu vào chảo cho nóng; cho tỏi, hành phi thơm, thêm vào phổ tai, nấm mèo đen, xào nhanh, sau đó thêm nước tương, muối, đường trắng, bột nêm, rưới lên dầu mè thì hoàn tất.
3- Tác dụng: Khoái khẩu, giảm cholesterol, lợi tiểu tiêu thũng; thích hợp với người cao mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, táo bón. Dùng thận trọng đối với người tiêu chảy mạn tính.
Củ hành xào chay
1- Vật liệu:
– Củ hành (300 g): Tính mát, vị mặn. Trong củ hành không có lipid nhưng chứa tinh dầu giúp giảm cholesterol, chứa chất tựa như prostaglandin giảm áp lực máu ngoại biên và động mạch vành; thúc đẩy đào thải natri, làm giảm huyết áp.
– Nước tương, muối, bột nêm mỗi thứ vừa đủ.
2- Chế biến:
– Củ hành gọt vỏ, rửa sạch, dùng dao bổ đôi, ngâm trong nước lạnh, khi thái sẽ không bị cay mắt. Ngâm 5 phút thì thái nhỏ.
– Bắc chảo lên bếp, đổ dầu; khi nóng thêm vào củ hành xào nhanh; nêm nước tương, muối, bột nêm trộn đều thì hoàn tất.
3 – Tác dụng: Chống xơ hóa mạch máu tim – não, dự phòng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cao mỡ máu. Người bệnh nhiệt, đau mắt đỏ chỉ nên dùng ít.