Kỳ 1: Muốn vào nghề chỉ vốn thôi chưa đủ

[ad_1]

Không phải tất cả những người làm nghề cầm đồ đều là dân anh chị nhưng nếu không có chút máu giang hồ thì cũng không ai chọn nghề nhạy cảm này, bởi cho vay thì dễ nhưng đòi thì ít khi dễ nếu không nói là quá khó. Để thu được tiền từ các con nợ, các chủ hiệu cầm đồ truyền cho nhau rất nhiều mánh lới, từ ép vay đến ép trả với đủ món “võ” mà ngay cả bậc thầy về truyện trinh thám cũng khó có thể hình dung… Quả không ngoa khi nhiều người coi thế giới cầm đồ là lãnh địa của dân giang hồ…

Thằng nào chống lưng cho ông?”

Tôi đã nhận được câu hỏi như thế khi tìm đến một người quen làm chủ hiệu cầm đồ trên đường Láng, quận Cầu Giấy, Hà Nội để xin chỉ dẫn khi hành nghề cầm đồ. Tôi hồ hởi trả lời: “Sao phải ai chống lưng? Tôi cứ làm đúng luật thôi. Tôi đã mở cửa hàng, mọi thứ xong hết rồi, giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bàn ghế, hóa đơn, kho hàng và cả thằng em vừa học xong lớp 12 làm nhân viên giao dịch”. Tay bạn cười: “Tôi không hỏi ông về những điều kiện đương nhiên phải có. Cái đấy pháp luật qui định rồi. Ý tôi là ông làm chung với thằng nào, có số má gì không, ít ra ông cũng phải có  được vài thằng em dân xã hội giúp chứ. Nghề này không cứng thì chỉ vài tháng là sạt nghiệp đấy ông ơi”. 

Tay bạn giảng giải: “Nghề cầm đồ là một nghề kiếm được nhưng rất phức tạp, thường xuyên phải giao dịch với dân cờ bạc, hút chích, gấu mèo… Tài sản các đối tượng này mang đi cầm cố hầu hết là không đủ các điều kiện pháp lý (tài sản không chính chủ, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ – PV) nên về mặt lý thuyết, các chủ cầm đồ thường xuyên sai. Nếu không cứng sẽ bị “quay” là cái chắc. Thậm chí ông vừa cầm tài sản xong, nó cho đàn em đến đòi lại. Nó nói nó bị người ta mượn rồi mang đi cắm, ông không trả thì nó gây sự. Gây sự không được thì nó báo CA. Ông là dân làm ăn, sao đấu được với chúng nó. Chính vì vậy, độc mới trị được độc, giang hồ phải được “điều trị” bằng giang hồ cứng hơn. Theo nghề này thì phải có người chống lưng mới làm được….”.

Khu vực đường Láng được coi là thủ phủ của giới cầm đồ Hà Nội với hàng trăm cửa hiệu cầm đồ san sát nhau. Nơi đây được ví như “Lương Sơn Bạc”, của giới gang hồ với những cái tên như D Béo, H choắt, D Chuột, L Vàng… Đó là chưa kể những tay anh chị từng nổi tiếng một thời ở Hà Nội như N Xám, T Lụa, Th Bưởi… buông rèm đứng sau, sẵn sàng điều quân đến can thiệp khi các đàn em “có biến”. Muốn biết ai đứng sau chủ hiệu cầm đồ đó, chỉ cần có một tranh cãi về lãi suất hay to tiếng về chất lượng sản phẩm cầm cố không còn nguyên vẹn… Thường chỉ 10 phút sau sẽ có những chiếc xe máy hoặc ô tô phóng đến, trên xe là những gương mặt cô hồn, những cái đầu trọc lốc, cả người xăm kín… và không khó để biết đại ca của chúng là ai.

Trái với tưởng tượng của nhiều người, hầu hết những gã giang hồ này trông thì dữ dằn nhưng không phải đến là động thủ ngay mà chỉ đứng yên đợi lệnh của đàn anh. Các tay anh chị ban đầu thường rất nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục khách hàng. Họ thưa anh, dạ chị khá ngọt ngào. Tuy nhiên, khi sự thương lượng không thành, những đôi mắt sẽ đổi màu và kết quả là phần thua thiệt sẽ nghiêng về phần khách hàng…

Một chủ chuỗi hiệu cầm đồ ở Đông Anh, Hà Nội nói: “Mình mở tiệm cầm đồ là để kiếm tiền chứ không phải để đánh nhau. Cứ nhẹ nhàng mà tiền vào túi là tốt nhất, chỉ khi không còn cách nào khác thì buộc phải cho mấy thằng cu em ra trận… Dù thế, đã chiến là mất nhiều lắm nên phải rất cân nhắc. Chỉ mấy thằng ngu mới hơi tí là rút dao, rút súng… Thời đó khuya rồi”.

Ky 1: Muon vao nghe chi von thoi chua du

 Đường Láng, lãnh địa của giới cầm đồ.     Ảnh: P.Linh

“Không cứng, không cẩn thận là mất nghiệp”

Đó là tâm sự của D Béo khi nói về nghề cầm đồ. D Béo là một tay anh chị, đầu quân cho S Trắng, chủ một loạt các hiệu cầm đồ ở đường Láng, đường Bưởi, phố Vọng… cho biết: “Nghề này thường xuyên phải va chạm dù không muốn. Nếu cứng quá sẽ mất khách. Nếu để xảy ra va chạm sẽ có khả năng mất nghề vì khi máu đã đổ thì CA sẽ vào cuộc. Chính vì vậy, chủ các cửa hàng cầm đồ phải vừa rắn vừa khéo để đảm bảo không bị quay hoặc bị quay nhưng vẫn thu được cả gốc lẫn lãi. Chuyện bọn tôi bị quay, buộc phải dùng đến vũ lực rất khó tránh khỏi”.

D. kể, có lần, một phụ nữ đến cầm chiếc SH để lấy 50 triệu đồng. Chị ta nói xe mua lại nên không chính chủ, giấy mua bán xe cũng thất lạc. Với con mắt nhà nghề, D Béo thấy có một cái gì đấy không bình thường nhưng cả sáng chưa mở hàng nên D chấp nhận cầm chiếc xe trên. Khoảng 22g đêm hôm đó, ba gã đàn ông sặc mùi rượu đến đập cửa, yêu cầu gặp chủ tiệm cầm đồ. Một trong ba gã đưa ra chứng minh thư trùng tên trên đăng ký chiếc xe SH và nói: “Xe này của tao. Tao say rượu ngủ quên, con “bò lạc” mở khóa, dắt xe đi cắm. Vừa nãy nó nhắn tin bảo cắm ở đây. Nó biến rồi. Mày trả xe cho tao, xe này là xe phạm pháp…”. Chủ xe còn hùng hổ: “Tao là V Đen đây. Xe tao mà mày cũng dám cầm…”. 

Chủ hiệu cầm đồ giải thích mãi không được phải gọi cho D Béo cùng hơn chục đàn em đến hiệu cầm đồ, D xuống xe, hất hàm. Một thằng đàn em chỉ 16 – 17 tuổi, người khô và đen như que củi lập tức áp sát V Đen. Một khẩu hoa cải lạnh ngắt gí vào gáy V và một giọng nói lạnh hơn: “Anh chỉ nói thêm câu nữa là em nổ. Anh già rồi, về uống sữa cho khỏe”. Lập tức, cả ba gã cô hồn lên xe, phóng mất dạng…

Một lần khác, khi quay lại trả tiền để “nhổ” chiếc ô tô đã cắm hơn 30 ngày, tay chủ xe đi một vòng quanh chiếc xế hộp rồi lạnh lùng phán: “Ông làm xước hết xe tôi rồi. Chắc ông mang nó đi chơi gái à? Đền đi, không đền thì mai đóng cửa hàng, về nhà bế con cho vợ”. Nhẹ nhàng nói chuyện, D Béo biết chủ xe là một người từng có máu mặt ở phố Hàng Khoai. Thuyết phục một lúc không được, điên tiết, D Béo lấy lưỡi dao dọc giấy kéo một vạch dài từ đầu xe đến cuối xe. Nhìn chiếc xe bị xước, ông ta gầm nên “mày chết rồi” và thò tay vào cạp quần. Lập tức, chiếc ấm trà và sau đó là cả tấm thân hơn 100kg của D Béo đổ ập lên vị khách. Sau khi bị đánh cho tơi bời đàn em của D mới kiểm tra cạp quần của vị khách. Bất ngờ, vũ khí vị khách mang theo là một khẩu súng… nhựa?! Vụ đó, cả khách và chủ tiệm cầm đồ phải ra CA phường ngồi hơn 10 tiếng đồng hồ, bị phạt hành chính và phải viết cam kết không tái phạm…

Câu chuyện của G Trọc còn ly kỳ hơn. G vốn là dân xứ Nghệ, đàn em của T Lay. Khi đàn anh bị nhập kho, G, Trọc ra Hà Nội nương nhờ cậu em xã hội ở đường Lĩnh Nam để mở tiệm cầm đồ kiếm sống. Một ngày đẹp trời cửa hàng G tiếp một phụ nữ gần 40 tuổi, rất xinh đến đặt một lô đất 300m2 để vay 3 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra mọi giấy tờ đều hợp pháp, G hỏi một nhân viên chuyên về bất động sản thì được biết lô đất có giá trên 10 tỷ đồng nên G quyết định “xuống tiền”. G Trọc đã thuyết phục người phụ nữ phải ra công chứng giấy tờ sang tên mình cho chắc.

Đến hẹn trả thì người phụ nữ bặt tăm. G Trọc cho đàn em đến nhà thì một người đàn ông ra gặp và nói: “Nhà này tôi mua rồi, chủ cũ chuyển vào Sài Gòn thì phải”. G và đàn em vội chạy đến CA phường trình báo thì được biết lô đất trên đã thế chấp cho ngân hàng từ trước khi làm thủ tục công chứng cho G. Cầm mớ giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người phụ nữ trên tay, G Trọc quay lại phòng công chứng, nhân viên phòng công chứng cũng không hiểu tại sao lô đất trên đã cắm cho ngân hàng mà người phụ nữ vẫn còn đủ giấy tờ bản chính. Gần 1 tháng G. nhận được kết quả giám định từ một đơn vị uy tín: GCNQSDĐ mà G nhận chuyển nhượng từ người phụ nữ là giả?!

G Trọc tâm sự: “Nghề này nó thế, đôi khi vẫn bị bọn nó “xiếc”. Mình phải chấp nhận thôi, làm vài vụ là lại OK. Nhiều thằng đến cầm đồ cứ giả vờ ngu ngơ, không cảnh giác là mất nghiệp với chúng nó. Ngay cả các anh lớn trong giang hồ cũng nhiều khi phải ngậm bồ hòn làm ngọt do mất cảnh giác. Cố đấm ăn xôi là hỏng ngay…”.

    (Còn nữa) 

Phương Linh

VietBao.vn