Cẩn trọng kẻo dính “bẫy” thịt lợn hữu cơ

[ad_1]

Trong bối cảnh tình trạng chất cấm trong chăn nuôi bị lạm dụng, thực phẩm “bẩn” len lỏi khắp nơi, nhờ đó các loại thực phẩm mệnh danh hữu cơ đã lên ngôi.

Mặc dù có giá đắt gấp 3 – 4 lần nhưng vẫn “hút” khách, song chất lượng thực sự có hữu cơ hay không thì không ai kiểm soát.

“Thịt lợn mà giá còn đắt hơn cả thịt bò Úc”

Từ vài năm trở lại đây, thịt lợn hữu cơ dù được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đặc biệt là do tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, chính vì vậy, không ít các bà nội trợ đã tìm mua sản phẩm thịt hữu cơ, thay vì sử dụng thịt lợn thông thường như trước kia dù giá có cao hơn. Cũng bởi vậy, thịt lợn hữu cơ ngày càng có đất sống, nhiều cửa hàng, chuỗi siêu thị quảng cáo bán thịt lợn hữu cơ với giá cao hơn thịt lợn thông thường.

Theo tìm hiểu, trên thị trường Hà Nội hiện có khá nhiều chuỗi cung cấp thực phẩm giới thiệu có bán thịt lợn hữu cơ. Giá thịt lợn hữu cơ này đang được bán dao động từ 190.000-250.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, tại thị trường TP.HCM, cũng thịt lợn hữu cơ được bán với giá 400.000 đồng/kg. Mặc dù giá cả khá đắt và có mặt trên thị trường từ khá lâu, nhưng không ít người vẫn thắc mắc, thịt lợn hữu cơ là như thế nào, có khác gì so với thịt lợn được nuôi theo quy trình thông thường.

Bác Phạm Thị Tâm ở Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi có hai cháu nhỏ, từ khi có thông tin người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm độc hại để chăn nuôi, gia đình tôi không sử dụng thịt lợn thông thường nữa mà phải tìm mua các loại thịt hữu cơ. Mặc dù giá cao hơn thịt lợn bình thường từ 100.000-150.000 đồng/kg tùy loại”.

Tuy nhiên, vì sao được gọi là thịt lợn hữu cơ và vì sao giá lại cao hơn các loại thịt lợn thông thường thì không phải ai cũng nắm rõ. Chị Nguyễn Thu Minh ở quận Cầu Giấy, băn khoăn: “Thịt lợn mà giá còn đắt hơn cả thịt bò Úc, bò Mỹ. Thịt lợn hữu cơ nhưng ai kiểm tra, giám sát và vì sao được gọi là thịt lợn hữu cơ. Dù rất muốn có thực phẩm đảm bảo an toàn để dùng trong bữa ăn hằng ngày nhưng tôi cũng không tin tưởng lắm”.

Sở dĩ được gọi là lợn hữu cơ vì toàn bộ quá trình nuôi không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn không có nguồn gốc động vật, mà toàn bộ bằng nguồn gốc thực vật. Trang trại còn được chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt, chuồng trại được lót đệm sinh học để xử lý chất thải, nên dù chăn nuôi lợn nhưng không xả thải bất kỳ cái gì ra môi trường. Thức ăn chính của vật nuôi là cám gạo, ngô, đậu tương…, chính vì vậy sản phẩm thịt lợn khi chế biến thường nở ra và rất thơm ngon. Bởi thế, loại thực phẩm này trở thành sản phẩm hữu cơ sạch, đang được người tiêu dùng hết sức quan tâm.

Theo một giám đốc công ty cung cấp thịt hữu cơ, do việc nuôi lợn hữu cơ phải tuân theo quy trình khắt khe, thời gian sinh trưởng rất dài, lợn rất chậm lớn, trung bình 6 tháng mới xuất chuồng được một lứa. Bên cạnh đó, giá nhân công chăm sóc cũng cao hơn nên chi phí đội lên cao buộc các nhà sản xuất phải bán với giá cao.

Đồng thời, để đảm bảo sản phẩm không bị vi khuẩn xâm nhập nên toàn bộ lợn sau khi mổ được cấp đông ngay tại lò. Mặt khác, vì nhu cầu thị trường không lớn, số khách hàng chịu chi tiền để mua sản phẩm này chưa nhiều nên các nhà sản xuất chưa thể sản xuất hàng loạt khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa hấp dẫn.

Can trong keo dinh
Thịt lợn hữu cơ đang được nhiều bà nội trợ quan tâm, mặc dù giá thành hơi cao.

Chưa thể an tâm

Mặc dù xuất hiện trên thị trường từ khá lâu, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có bộ quy chuẩn quy định thế nào là thịt lợn hữu cơ, nên toàn bộ sản phẩm thịt lợn hữu cơ của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là tự quảng cáo mà chưa được kiểm soát, chứng nhận. Bởi vậy, việc thực sự có phải là thịt lợn hữu cơ như lời giới thiệu hay không thì khó có thể kiểm chứng. Chị Nguyễn Tuyết Nhung, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội băn khoăn: “Mặc dù vẫn mua thịt lợn hữu cơ về dùng hàng ngày, nhưng tôi vẫn chưa thực sự an tâm, giữa thịt lợn bình thường và thịt lợn hữu cơ cũng chẳng khác nhau là mấy, mà chỉ là cảm giác tâm lý của người nội trợ thôi”.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, thế nào được gọi là thịt lợn hữu cơ thì đến nay vẫn còn “mù mờ”. Trong khi ngành chăn nuôi đã có quy chuẩn VietGap, nhưng việc giám sát và thực hiện theo quy chuẩn này vẫn chưa đầy đủ thì việc chăn nuôi lợn theo quy trình hữu cơ chưa có bộ tiêu chuẩn nào, không bị giám sát bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào thì khó đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, Nguyễn Đăng Vang đánh giá: “Hiện ở Việt Nam có rất nhiều ý kiến trái chiều khi nói về thực phẩm hữu cơ. Có ý kiến cho rằng cứ mua giống về trồng và nuôi là thành sản phẩm hữu cơ. Tôi cho rằng, đó không phải là thực phẩm hữu cơ. Ở Việt Nam, để có bộ quy chuẩn rõ ràng về thực phẩm hữu cơ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước phải ngồi lại bàn bạc”. Để chứng nhận một sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp trải qua rất nhiều khâu. Ngoài ra, để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, oanh nghiệp phải đóng khoảng 1.700 USD/năm”.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện trong lĩnh vực chăn nuôi đã có bộ quy chuẩn theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp sạch) do Cục Chăn nuôi xây dựng. Hiện đã có 2.300 hộ và khoảng 240 trang trại được cấp chứng nhận. Nhưng, do chi phí để cấp giấy chứng nhận quá đắt, nên số lượng nông hộ, trang trại đạt chứng chỉ VietGap ngày càng ít.

Theo quy định, chứng nhận lần đầu của trang trại VietGap sẽ do Nhà nước hỗ trợ, từ lần thứ hai doanh nghiệp sẽ phải tự chi trả, giá mỗi lần đánh giá để cấp lại chứng chỉ VietGap là 70 triệu đồng, 2 năm phải đánh giá lại 1 lần. Đối với nông hộ thì giá là 1 triệu đồng/lần. “Mặc dù chăn nuôi theo quy trình VietGap nhưng do chưa có đầu ra nên sản phẩm vẫn phải bán như thịt lợn chăn nuôi theo quy trình thông thường, không có lợi nhuận nên nhiều người không mặn mà”, Nguyễn Đăng Vang nhìn nhận.

Về việc hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ VietGap đối với các trang trại chăn nuôi cũng như nông hộ chăn nuôi, ông Vang cho rằng, vẫn còn tồn tại bất cập, khâu hậu kiểm chưa được chặt chẽ do cơ quan quản lý địa phương còn mỏng và không sâu sát, nên cũng khó lòng đảm bảo 100% nông hộ, trang trại chăn nuôi VietGap đều tuân đủ đúng quy trình.

Trong khi, chăn nuôi theo quy trình VietGap có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, có cơ quan chức năng giám sát nhưng việc tuân thủ vẫn chưa đầy đủ, thì việc chăn nuôi lợn theo quy trình hữu cơ chưa hề có bộ tiêu chuẩn, không bị giám sát bởi bất kỳ cơ quan chức năng nào khiến người tiêu dùng khó có thể đặt niềm tin tuyệt đối.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin thêm, tự công bố chất lượng sản phẩm là thịt lợn hữu cơ thì doanh nghiệp không sai. Quy định cho phép doanh nghiệp được áp dụng theo các quy trình chăn nuôi khác nhau, của các tổ chức trong và ngoài nước.

Hiện nay, nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Đan Mạch… đang có nền nông nghiệp hữu cơ rất phát triển và có bộ quy chuẩn rõ ràng cho từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi. Doanh nghiệp có thể áp dụng các bộ quy chuẩn của các nước vào chăn nuôi cho trang trại mình.

Còn ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sản xuất hữu cơ hiện đang tự phát, chưa có quy hoạch vùng sản xuất, đối tượng cây, con. Bên cạnh đó còn thiếu những cơ chế chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp triển khai nông nghiệp hữu cơ. Để làm được nông nghiệp hữu cơ rất cần các cơ chế công nhận và chứng nhận sản phẩm hữu cơ”.

Nguyễn Khuê

VietBao.vn