Báo động “nạn” phân bón giả: Chưa giảm nhiệt, nông dân khốn khổ!

[ad_1]

Những con số thống kê cho thấy nạn phân bón giả vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân, doanh nghiệp (DN) chân chính và ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo công bố chương trình “Phân bón giả, tác hại thật” mới đây, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết mỗi năm có trên 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng bị bắt giữ và con số này còn nhỏ hơn so với thực tế nhiều lần.

Nông dân gánh họa

Trước đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đưa ra thống kê, phân bón giả gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế. Các loại phân bón kém chất lượng được làm giả ngày càng tinh vi, “chèn ép” các DN làm ăn lương thiện, qua mặt các cơ quan chức năng, lừa người tiêu dùng.

Phân bón giả gây hại nhiều mặt đến nền kinh tế và xã hội. Nhưng phải thừa nhận nông dân là người chịu thiệt hại nặng nề nhất của “vấn nạn” này, không chỉ về kinh tế mà còn về sức khỏe và đời sống. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, người nông dân cũng đã nâng cao tinh thần cảnh giác, nhưng phân bón giả vẫn “bủa vây” người dân.

Anh Nguyễn Văn Dũng (xã Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Vì mắc phải phân giả ở các vụ lúa trước gây cháy lúa, thiệt hại nặng, nên chúng tôi đã rất cảnh giác khi đi mua phân bón cho vụ vừa rồi. Hỏi han kỹ lưỡng, các đại lý cũng bảo đảm uy tín chất lượng, nhưng vẫn dính phải hàng giả, rồi lại kiện tụng rất phiền phức. Giờ chúng tôi đang hết sức hoang mang, không biết đằng nào mà lần”.

Một nghịch lý là càng những nhãn hiệu nổi tiếng, có uy tín thì càng dễ bị mắc hàng giả, hàng nhái. Các chuyên gia lý giải, vì người nông dân thường chọn mua sản phẩm của các thương hiệu lớn, nên các đối tượng làm giả thường tâp trung vào các loại thương hiệu này. Hàng giả ngày càng tinh vi, nên nông dân càng dễ bị mắc “bẫy”.

Bao dong nan phan bon gia Chua giam nhiet nong dan khon kho

Một cơ sở sản xuất phân bón giả bị cơ quan chức năng xử lý

“4 nhà” cùng hành động

Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, phân bón giả còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Ông Đỗ Minh Cường – Phó Giám đốc kinh doanh Xí nghiệp Xử lý chất thải (Biwase), cho biết: “Phân bón giả gây thoái hóa đất, gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những chất thải gây hại cho con người khi tiếp xúc, có thể gây ra lượng tồn dư độc hại trong các loại cây trồng…”.

Tác hại và ảnh hưởng tiêu cực của phân bón giả đã được phân tích nhiều, vấn đề là làm sao để giải quyết vấn nạn này? Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), để dẹp bỏ nạn phân bón giả, cần sự vào cuộc và liên kết của cả “4 nhà” là nhà nông, Nhà nước, nhà DN và nhà phân phối.

Trước tiên là sự vào cuộc của các nhà chức năng. Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), khẳng định: “Vai trò của các cơ quan quản lý địa phương và liên ngành là vô cùng quan trọng. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh phân bón tại địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Bên cạnh đó, vai trò của DN trong việc bài trừ nạn phân bón giả, sản xuất “chui” cũng vô cùng quan trọng. DN là một trong những đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất của nạn phân bón giả. Vì vậy, mỗi DN cần có biện pháp để bảo vệ mình.

“Các DN cần chủ động đăng ký thương hiệu, có những dấu hiệu nhận biết rõ ràng cho sản phẩm chính hãng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ thương hiệu của mình. Các DN địa phương cần hoàn thiện cơ sở vật chất để đủ điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng cho sản phẩm”, Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh cho hay.

Nhà phân phối cũng đóng vai trò quan trọng. Cạnh tranh thị trường và lợi nhuận đòi hỏi các cơ sở phân phối cần nâng cao trách nhiệm, bảo đảm cung cấp những sản phẩm đủ chất lượng đến người nông dân. Việc lợi dụng tình thế để trục lợi, làm mất lòng tin của người dân là cách làm ăn không bền vững.

Cuối cùng, bản thân người nông dân cần thông thái để bảo vệ mình. “Người dân cần cân nhắc lựa chọn những đại lý phân bón có uy tín để mua phân bón. Yêu cầu đầy đủ các chứng từ mua bán, nguồn gốc sản phẩm, bảo hành… để có thể bảo vệ quyền lợi. Đồng thời, chủ động phát hiện, tố cáo những cơ sở buôn bán phân giả, góp phần bài trừ nạn phân bón giả”, ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh.