Ban Cơ yếu Chính phủ: Sắp xuất hiện nhiều nguy cơ mới về mất an toàn thông tin

[ad_1]

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam” diễn ra ngày 28/9/2016 tại Hà Nội.

Hôm nay, ngày 28/9/2016, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử” tại Việt Nam nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo mật và an toàn thông tin trong quá trình xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử.

Chia sẻ tại hội thảo, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT nhấn mạnh, chủ trương đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn đã được khẳng định trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yếu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020…

Để đạt được những mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 – 2020, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, an toàn thông tin, thời gian qua, bên cạnh việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng về triển khai Chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin. Bộ TT&TT cũng đã triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay, cùng với sự phát  triển của ứng dụng CNTT, triển khai Chính phủ điện tử, các nguy cơ về an toàn thông tin đang là những thách thức lớn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc rất cao và là mục  tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích. Điều đó gây ra nhiều rủi ro rất lớn cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, lực lượng cán bộ an toàn thông tin trong nước còn ít và bị động khi đối phó với các sự cố an toàn thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức còn chưa đồng bộ.

“Bởi vậy, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin, thể hiện trong các văn bản chỉ đạo và văn bản pháp luật, như Luật An toàn thông tin  mạng, các Nghị định hướng dẫn cùng các văn bản luật khác như Luật cơ yếu, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước… là hết sức cần thiết, là cơ sở để thực hiện thành công Chính phủ điện tử. Trong đó, vai trò của các cơ quan chuyên trách bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin rất quan trọng và cần sự phối hợp của các cơ quan chủ quản các hệ thống thông tin”, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin nói.

Trong khuôn khổ hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam”, các diễn giả đã tọa đàm, thảo luận về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong bảo đảm an toàn thông tin để triển khai Chính phủ điện tử.


Đồng quan điểm với người đứng đầu Cục An toàn thông tin, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, trong giai đoạn mới, CNTT và viễn thông trên thế giới sẽ có những bước phát triển đột phá với nhiều loại hình mới, đa dạng. Mạng Internet sẽ được ứng dụng sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực  của đời sống kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời sẽ là công cụ đắc lực và hữu hiệu trong việc trao đổi và lưu giữ thông tin của các quốc gia. Chiến tranh mạng sẽ mở rộng cả về quy mô và cường độ với nhiều loại hình tấn công mới. Các quốc gia sẽ phải đối đầu với nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh phi truyền thống kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao…

Đối với trong nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và viễn thông phục vụ Chính phủ điện tử, hạ tầng mạng quốc gia sẽ được củng cố, mở rộng và triển khai đồng bộ với nhiều ứng dụng phục vụ công  tác lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị.

“Sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng quốc gia, sẽ gia tăng các cuộc tấn công có chủ ý sử dụng công cụ tin học, kỹ thuật thu tin mã thám của các lực lượng thù địch vào các hệ thống mạng CNTT và viễn thông trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng liên lạc cơ yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, giả mạo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy”, ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, trước bối cảnh trên, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ mật mã; đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các chủng loại sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số và giám sát an toàn thông tin và các giải pháp chống mã độc như: thiết bị lưu trữ chuyên dụng, máy tính chuyên dụng…

Cũng tại hội thảo được Ban Cơ yếu tổ chức sáng nay (28/9) tại Hà Nội, đại diện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Sở TT&TT Đà Nẵng, Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính), Viettel… đã có các tham luận tập trung vào những vấn đề liên quan đến bảo mật và an toàn thông tin phục vụ cho Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện nay: Một số nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ trong triển khai Nghị quyết về Chính phủ điện tử; Mô hình Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh tại Đà Nẵng và nhu cầu bảo đảm an toàn thông tin; Bảo đảm an toàn cho các dịch vụ công và hệ thống thông tin ngành Tài chính…